Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022): Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Lượt xem: 253

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng vô cùng quý giá, trong đó tư tưởng về nhân dân là một trong những tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân được hình thành rất sớm, ngay từ khi còn nhỏ phải chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân đói rét, đau khổ dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Đó là lý do để năm 2011, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau khi tiếp cận Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Bác đã khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân và xây dựng chế độ dân chủ ở Việt Nam. Đó là chế độ mà mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho mỗi người dân “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trước tình hình nạn đói diễn ra ở khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định nhiệm vụ cấp bách, cần làm ngay là cứu tế cho nhân dân. Bác vạch ra 4 nhiệm vụ với mục tiêu rất thiết thực: 1) Làm cho dân có ăn; 2) Làm cho dân có mặc; 3) Làm cho dân có chỗ ở; 4) Làm cho dân được học hành. Người còn chỉ ra một nguyên lý rất đơn giản: muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của nhân dân. Ngày 10/01/1946, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Bác nói: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu đề giành độc lập,... Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà được ăn no, mặc đủ”. Người cũng nhiều lần khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân,…”. Hai chữ “nhân dân” luôn là động lực thôi thúc mọi suy nghĩ và hành động của Người. Năm 1946, khi tiếp các nhà báo Bác đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Vì thế, Bác thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tôn trọng nhân dân, không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp của nhân dân; thường xuyên mở rộng dân chủ để người dân được nói lên suy nghĩ của mình và làm những việc có ích, có lợi cho xã hội. Đừng để họ “không dám nói” và càng không để họ “không thèm nói”, nếu không thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. Bác đã từng giải thích từ “dân chủ” đơn giản là: “dân làm chủ và dân là chủ”. Người cũng chỉ rõ giá trị lớn nhất, quan trọng nhất, cũng là sự khác biệt lớn nhất giữa chế độ mà chúng ta đang xây dựng và chế độ phong kiến, chế độ tư bản chính là “dân chủ”- nghĩa là người dân làm chủ, người dân phải có địa vị cao nhất trong xã hội. Đồng thời, Người đã nhiều lần dùng khái niệm "đầy tớ" và nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải phụng sự nhân dân, là công bộc của dân “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo Người, làm được điều đó cũng không đơn giản, không phải ai cũng làm được. Muốn làm được thì phải lắng nghe ý kiến của dân, chịu khó gặp dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi, hiểu được dân thì mới lãnh đạo được dân.

Người còn nhắc nhở chính quyền các cấp, các đoàn thể hãy quan tâm, chăm lo cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ bằng những việc làm thiết thực nhất. Bác nói: Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ. Khi biết tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ bị hy sinh, Bác đã viết thư thăm hỏi: “Tôi được báo cáo rằng: con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng!”. Năm 1969, trước tình hình quân đội Mỹ tăng cường phun rải chất độc hóa học xuống miền Nam, gây nên tội ác dã man đối với con người và môi trường ở miền Nam, Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Tổng thống Mỹ. Trong thư đã nêu rõ những tác hại của chất độc hóa học đối với nhân dân và yêu cầu Mỹ chấm dứt việc rải chất độc da cam/dioxin ở miền Nam Việt Nam.

anh tin bai

Bác Hồ với nông dân (Ảnh sưu tầm)

Trong thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác tiếp xúc với mọi đối tượng không phân biệt vị trí, thứ bậc, từ các cụ già đến các cháu thiếu niên, nhi đồng, từ người nông dân, công nhân lao động đến bộ đội. Theo thống kê, trong 10 năm (từ năm 1955 đến năm 1965), mặc dù công việc bận rộn, tuổi cao, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện khoảng 700 chuyến đi cơ sở để thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, nắm tình hình, kiểm tra địa phương,...

Tư tưởng về nhân dân của Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ trong bản Di chúc của Người. Ở đó nhân dân được hòa quyện với đất nước, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Bác không quên nhắc nhở cán bộ, đảng viên “mọi việc lớn nhỏ của đất nước đều phải dựa vào dân, dân là gốc, là nhân tố tạo nên mọi thành công”. Tình cảm sâu nặng, giá trị nhân văn trong sáng của Hồ Chí Minh về nhân dân là tư tưởng lớn, mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và tính cách mạng sâu sắc. Đó cũng là những bài học vô giá cho Đảng ta, cho mỗi cán bộ, đảng viên về phong cách gần dân và thái độ trọng dân.

Trong giai đoạn hiện nay, để học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân; gương mẫu trong mọi hành động, lời nói; học Bác về phong cách sâu sát, thái độ ân cần khi tiếp xúc với dân; kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, thực sự là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đặc biệt, phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương của xã hội, như: nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em,... Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm cho nhân dân luôn tin tưởng, đồng thuận với mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.







image advertisement

image advertisement



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Cơ quan chủ quản: Xã Hải Hà
Địa chỉ : UBND xã Hải Hà - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định
Điện thoại:    * Email: xahaiha.hhu@namdinh.gov.vn

 Người chịu trách nhiệm: Ông Vũ Quang Thiện – Phó chủ tịch UBND xã

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang